Cùng với sự phát triển của đô thị hiện đại, những ngôi nhà ống mọc lên dày đặc và các con đường tấp nập xe cộ giờ đây đã bao trùm toàn cầu. Và chính khi đối diện với các làn sóng hiện đại đó, con người mới bắt đầu nhận ra niềm quyến luyến và thương nhớ ngôi nhà và mảnh vườn mình từng lớn lên. Do đó dự án với mong muốn mang lại niềm hoài niệm nếp sống xưa, cuộc sống thanh bình cho gia chủ trong không gian của kiến trúc đương đại.
Ranh giới vốn thường được hiểu như những phân định rạch ròi giữa trong và ngoài, giữa bên này và bên kia, là những biên giới không thể vượt qua để che chắn và phòng hộ. Những không gian giới hạn và bị phân mảnh ở thành phố càng khiến chúng ta củng cố cảm giác này về ranh giới. “Quảng Ngãi house” mang những nhận thức khác về ranh giới, nơi những đường biên không để che chắn mà để kết nối và tạo ra sự thoải mái cho những người sinh sống bên trong. Với chất liệu mộc mạc được sử dụng trong bao đời nay, gạch thẻ được sử dụng làm sân và hàng rào, phần nào mang đến cho ta cảm giác thân thuộc và nhẹ nhàng. Đôi khi rào giậu không phải là để ngăn cách hay bảo vệ, mà chúng nhẹ nhàng mọc lên để đánh dấu một chút gì đó riêng tư của đời sống gia chủ.
Hàng hiên như thể là sự nối dài của không gian bên trong, và là nơi mở rộng kết nối đời sống riêng tư với không gian bên ngoài. Trên hàng hiên, ánh sáng chói chang của xứ nhiệt đới trở nên dịu nhẹ và chuyển dần sang bóng tối thâm trầm nơi nội thất. Khí hậu trong nhà nhờ hàng hiên sẽ được điều tiết để mang lại sự thoải mái, thư giãn, để con người tìm thấy sự thân thuộc và kết nối giữa thiên nhiên và vòng quay của năm tháng.
Ánh sáng được tập trung khai thác bằng nhiều cách khác nhau, từ các khoảng sân trong, kính lấy sáng mái, cửa sổ kính… mang lại sự chuyển tiếp không gian trong nhà và ngoài nhà, đồng thời tăng tính trải nghiệm không gian sâu sắc và cảm nhận qua từng thời điểm khác nhau trong ngày.
Nếp sống xưa được hiện diện trong Quảng Ngãi house qua cách bố trí gian thờ ở vị trí trung tâm ngôi nhà, dễ dàng kết nối với tất cả không gian sinh hoạt ở tầng trệt, tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt cho người cao tuổi và tăng thêm sự ấm cúng, quây quần cho cả gia đình. Bên cạnh đó, hình ảnh bình phong, mặt nước thường thấy trong kiến trúc nhà rường được tái hiện lại trong Quảng Ngãi house với ngôn ngữ hiện đại đem lại sự trang nghiêm và tăng tính riêng tư cho gian thờ. Khẳng định mối liên kết giữa đời sống tâm linh, tinh thần không thể tách rời với đời sống hiện đại. Không gian phòng ngủ được bố trí tại cuối nhà -“nhà dưới”, tạo sự yên tĩnh và riêng tư, nhưng vẫn đảm bảo sự kết nối với không gian sinh hoạt. Ngoài ra, ban công và khoảng hiên đem đến sự thông thoáng, mở rộng tầm nhìn ra không gian xanh phía sau cho các phòng.
Nội thất tối thiểu nhằm tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng không gian. Từ quan niệm tính hiện đại không tách rời khỏi những dư âm của truyền thống, nên việc cân nhắc tái sử dụng đồ nội thất cũ được chú trọng, điển hình như “Chiếc phản” xưa hay gian Thờ quen thuộc mà người chủ gắn bó suốt một thời gian dài.
Nét cong mềm mại được đưa vào tạo ra một điểm nhấn ở nơi chuyển giao không gian. Là sự tương phản với đường nét kiến trúc cứng cỏi của hình hộp, bê tông nhưng vẫn hài hoà tổng thể không gian.
Cùng tham quan Quảng Ngãi House trong video dưới đây nhé:
Thông tin công trình:
Địa điểm: Xã Đức Chánh, Huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi
Diện tích khu đất: 300m2
Diện tích xây dựng: 190m2
Thiết kế – hoàn thành: 2020 – 2020
Kiến trúc sư chủ trì: Lê Viết Hội
Cộng sự: Nguyễn Văn Đức, Đặng Thanh Bảo
Kết cấu: Lê Mạnh Kha
Nhiếp ảnh: Hiroyuki Oki